Thứ Năm, 6 tháng 2, 2020

Nỗi lo của hướng dẫn viên trong mùa dịch

Lương Thanh, hướng dẫn viên (HDV) tiếng Trung có 3 năm kinh nghiệm, tỏ ra rất buồn khi được công ty thông báo hủy ba tour đi Trùng Khánh, Vân Nam, và Trương Gia Giới ở Trung Quốc. Nhiều năm qua, anh vừa là HDV inbound (đưa khách Trung Quốc vào Việt Nam), vừa dẫn outbound (đưa khách Việt đi nước ngoài). Đang trên đường từ Sài Gòn xuống Cần Thơ đón khách, anh nói có thể đây là đoàn cuối cùng trước khi tìm công việc khác để mưu sinh khi đại dịch qua đi.

Theo anh Thanh, những ngày gần đây, trên đoạn đường Đà Lạt - Nha Trang, một số nơi đã không cho khách Trung Quốc dừng chân để đi vệ sinh. Điều này gây không ít khó khăn trong quá trình dẫn đoàn. Vì lo sợ nguy cơ nhiễm bệnh, đa phần người dân địa phương tại các điểm dừng chân, khu vực ăn uống, tham quan đều từ chối tiếp hoặc giúp đỡ đoàn. Anh Thanh và tài xế phải tìm kiếm cây xăng và xin nhân viên cho khách "giải bầu tâm sự".

Những ánh mắt e dè tiếp tục ám ảnh nam HDV khi đưa đoàn nhận phòng, dù đó là khách sạn 5 sao. Anh chỉ biết động viên khách trong đoàn, nói khéo để họ hợp tác, thực hiện các quy trình phòng, chống dịch.

Ngoài ra, anh luôn phải nhắc khách đeo khẩu trang để tránh dịch bệnh và bảo vệ bản thân khỏi sự lây lan của virus. Tuy nhiên, không phải ai trong đoàn cũng tuân thủ. Do phải đeo khẩu trang suốt hành trình, đến khi về phòng khách sạn, anh Thanh bị hằn chi chít trên tai và mặt. "Đây là lần đầu tiên trong đời tôi phải đeo khẩu trang khi thuyết minh", anh Thanh nói.

Dẫn khách trên cung đường tour quen thuộc từ Sài Gòn đi các tỉnh, nhưng lần này anh Thanh cảm thấy áp lực hơn khi chưa có lời đáp cho câu hỏi: "Không biết tình hình thu nhập sắp tới thế nào nếu đại dịch cứ thế kéo dài?".

Du khách Trung Quốc tham quan Đà Lạt. Ảnh: NVCC.

Du khách Trung Quốc tham quan Đà Lạt. Ảnh: NVCC .

Cũng như nhiều đồng nghiệp, anh Quang Thái nhận thông báo hủy tất cả tour đi Trung Quốc từ trưa 30 Tết và không biết đến khi nào có việc trở lại. Làm HDV tiếng Trung 10 năm, anh Thái cho biết một số đồng nghiệp của mình đã quyết định bỏ nghề, khiến anh có chút phân tâm.

Anh Thái hiện mang về nguồn thu nhập chính cho gia đình. Nhưng có tour mới có thu nhập bởi anh làm HDV tự do, không thuộc biên chế của công ty du lịch nào. Sau khi các tour bị hủy, anh bảo vợ sắp tới không biết tình hình công việc thế nào nên cả gia đình phải thắt lưng buộc bụng.

Tuy vậy, anh vẫn động viên bản thân phải giữ tâm bình tĩnh vì đã chứng kiến nhiều biến cố khiến nguồn khách sụt giảm như dịch SARS 2003, hay sự kiện tàu Hải Dương 981. "Đại dịch viêm phổi lần này là một thử thách để xem HDV nào bền chí với nghề", anh nói và cho rằng HDV trẻ sẽ dễ bỏ nghề hơn, nếu họ lựa chọn làm tự do khi kinh nghiệm sống còn ít.

"Trong vòng hai tháng liên tiếp nếu không có nghề tay trái hoặc có sự hậu thuẫn tài chính từ gia đình, có lẽ nhiều bạn sẽ từ giã sân chơi này", HDV sống ở quận Tân Bình, TP HCM nói.

Về kế hoạch sắp tới, nếu không có nguồn khách Trung Quốc, anh Thái dự định tìm việc hướng dẫn cho khách Việt Nam du lịch trong nước hay dẫn các đoàn khách gốc Hoa đến từ Malaysia, Hong Kong, Đài Loan, hay Việt kiều ở Mỹ, Australia, Canada nếu họ yêu cầu hướng dẫn nói tiếng Trung.

"Tôi còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp vì đi được nhiều đường tour khác nhau chứ không đi một tuyến cố định", anh tự an ủi. Nếu không có tour, anh Thái định chuyển hướng làm phiên dịch hay dịch sách tại nhà.

Dựa trên kinh nghiệm bản thân, anh Thái cho rằng khi quyết định làm HDV tự do, mỗi người phải tự trang bị cho mình kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, học nhiếp ảnh cơ bản, sơ cấp cứu...; và nên có một nguồn thu nhập song song khác.

"Làm du dịch thuật lịch là phải chấp nhận những biến động bởi nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan, nhưng quan trọng là phải thật bình tĩnh. Điều đáng buồn nhất là hiện hầu hết HDV tự do như tôi vẫn chưa có chế độ bảo hiểm rõ ràng", anh Thái chia sẻ.

(*) Tên nhân vật đã thay đổi

Thanh Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét